Truy cập nội dung luôn
Đăng nhập

GIỚI THIỆU VỀ DI TÍCH LỊCH SỬ VĂN HÓA ĐÌNH CHÙA TRUNG ĐÀI XÃ CÙ VÂN HUYỆN ĐẠI TỪ - TỈNH THÁI NGUYÊN

2024-04-04 11:15:00.0

Đình Chùa Trung Đài được xây dựng từ xưa không rõ niên đại nhưng theo văn bia hậu Thần Bi Ký, niên đại 1811, 1812 còn lưu tại di tích thì đình thuộc xã Lạc Mỹ tổng Cù Vân, huyện Phú Lương, phủ Phú Bình, xứ Thái Nguyên. Đây là nơi sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng, tâm linh của nhân dân.

Đình Chùa Trung Đài được xây dựng từ xưa không rõ niên đại nhưng theo văn bia hậu Thần Bi Ký, niên đại 1811, 1812 còn lưu tại di tích thì đình thuộc xã Lạc Mỹ tổng Cù Vân, huyện Phú Lương, phủ Phú Bình, xứ Thái Nguyên. Đây là nơi sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng, tâm linh của  nhân dân.

Phát huy truyền thống quý báu của nhân dân Việt Nam: uống nước - nhớ nguồn, đền ơn đáp nghĩa… nhân dân xã Cù Vân đã lập nên một ngôi Đình và Chùa Trung Đài để tưởng nhớ vị tướng tài ba Dương Tự Minh – vị thổ tù, thủ lĩnh phủ Phú Lương dưới 3 triều vua Lý ( Lý Nhân Tông, Lý Thần Tông, Lý Anh Tông) xuất thân từ đất Thái Nguyên đã lãnh đạo nhân dân đánh, dẹp giặc Tống và bọn giặc Đào Hữu Lượng sang quấy phá nước ta ở vùng biên giới phía Bắc nước Đại Việt. Ông được nhà vua phong Thượng Đẳng Phúc Thần, 2 lần được gả công chúa Thiên Bình và Thiều Dung.

Sở dĩ nơi đây thờ thời Dương Tự Minh vì trước đây xã Cù Vân rất đông dân, mỗi khi muốn thắp hương cầu khấn lại lên Đền Đuổm làm lễ, việc đi lại xa xôi nên người dân mong muốn tại nơi mình sinh sống có Đền thờ để họ tiện thờ cúng. Vì thế lên Đền Đuổm xin chân nhang, sắc phong về xã Cù Vân lập nên Đền thờ Dương Tự Minh chính là Đình Chùa Trung Đài ngày nay.

Đình Chùa Trung Đài nằm trên 1 quả đồi cao từ Bắc nhìn hướng Nam, một vị trí tiền án hậu chẩm, trước mặt Tam Sơn: Núi cả, núi Khuyến, đồi Dày cả. Sau lưng ngũ giáp gồm 3 mỏm núi của dãy Bẫu Châu và 2 ngọn đồi Cây Đa và Đá Giàn. Trước mặt là cánh đồng làng lẻ, có 2 con suối uốn mấy khúc rồi hợp lại chảy về sông Đu. Địa thế thuận lợi cùng với thắng cảnh đập Đá Giàn hiếm có trên đất Thái Nguyên. Có lẽ từ địa thế và cảnh đẹp nơi đây người xưa đã cảm tác câu thơ hiện vẫn được lưu lại trong Đình:

          Đình Đài cao thượng dân hòa lạc

          Thủy tụ tiền đường tất hiển vinh

Dịch nghĩa:

          Đình Đài ở trên cao dân giàu có

          Trước Đình nước tụ tất hiển vinh

Trước đây mỗi khi có lễ hội, nhân dân vẫn thường tập trung ở sân đánh cờ ( còn gọi là gò 3 mả) chỉ các Đình khoảng 300m để xem đánh cờ, cạnh đó là giếng làng, bên trái gò Đình là cánh đồng Đánh Gậy ( nơi tập trung đấu võ). 3 nơi này gắn với di tích Đình Chùa Trung Đài và đi vào thơ ca của nhân dân

          Làng lẻ có giếng nước trong

          Có bãi tập võ, có sân đánh cờ

Từ xa có thể nhìn thấy Đình chùa Trung Đài nằm ở trên cao, đường lên đổ bậc bê tông. Trước cửa Đình là Cây nhãn và cây Đại, xung quanh cây cối tốt tươi cánh đồng bao bọc.

Miếu nữ Tiên Trung thờ 2 bà chúa thượng ngàn: Sơn vương công chúa và Mai Hoa công chúa nằm bên trái Đình. Ở Chính giữa Đền ghi “ Nữ Tiên Chung”

Câu đối viết bên ngoài:

          Trung đài hữu miếu tiên giáng thế

          Cao Sơn nghị vị hiển linh thần

Trong miếu có 2 câu đối khắc trên gỗ:

          Linh Nhạc giáng thần tiên hữu đại

          Đài hương hiển thánh nữ vô song

Đình được xây 3 gian bằng ghạch, rộng 5m, dài 7m, 2 cửa phụ 2 bên, mái lợp ngói nổi bật lên trên là hình lưỡng long chầu nguyệt. Phí cửa chính trên cùng có 4 chữ lớn “ Quý hòa vi chúng” dịch nghĩa Dĩ hòa vi quý.

2 bên cửa phụ đắp nổi tượng hộ pháp cầm đao đứng gác:

Gian chính là bàn thờ Thành Hoàng Làng ( Dương Tự Minh )

Hai bên có cặp câu đối ca ngợi công lao to lớn, hiển hách của vị tướng tài Dương Tự Minh:          Thiên thai giáng thế phù lý cứu dân sinh vị tướng

          Địa dưỡng thăng quan phá Tống quốc hóa vi thần

Dịa nghĩa:     Trời sinh để phò vua Lý giúp dân thành vị anh hùng

                     Đất nuôi làm quan diệt giặc Tống thành vị thần

Trước ban thờ thần là hương án cổ, sơn son thiếp vàng, chạm khắc hoa lá có hình mặt Hổ phù “ Long vân hội tụ” cùng đặt bát hương và có đồ tế lễ.

Các cặp câu đối viết trên tường:

          Thượng thần hạ hóa dân phồn thịnh

          Phụ truyền tử kế quốc gia khang

Dịch nghĩa:           Trên thuận, dưới hòa dân phồn thịnh

                    Cha truyền, con nối, nước nhà giàu

Câu tiếp theo:     Bách thế, bách niên hương thôn lạc Nghiệp

                             Vạn đại như kiến phúc thọ phú cường

Dịch nghĩa:           Trăm năm, nghìn năm dân an cư lạc nghiệp

                             Muôn đời  như thấy rất hiển vinh

Đặc biệt là câu đối cổ được trạm khắc tỷ mỉ, khá tinh vi trên khung gỗ ca ngợi công đức của Dương Tự Minh

          Phá tặc hữu tiên y hiển tích do truyền thái lĩnh

          Bảo dân khâm đế mệnh linh thanh trường trấn tham thiên

Dịch nghĩa:   Phá giặc có áo tiên, hiển tích còn truyền lại trên núi lớn

                             Bảo vệ dân, phụng mệnh nhà vua, còn linh thiêng mãi ở trời nam

* Chùa Trung Đài: được xây dựng phía sau Đình ngay đầu tiên cửa chù có cặp câu đối:

          Đất nước chùa làng phong cảnh phật

          Của đời người thế nước non tiên

Câu tiếp theo

          Phật cư tây thiên lôi âm tự

          Giáng tại Trung Đài Quốc dân an

Dịc nghĩa:

          Đức phật ở Tây thiên, tu chùa Lôi Âm

          Ban cho dân Trung Đài được yên ổn

Chùa được xây thành 2 gian,  ngoài là tiền đường, trong hậu cung có ban thờ phật chia làm 3 cấp

- Trên cao trang trọng nhất là thờ phật di đà, dưới là thờ phật thích ca, dưới cùng là thờ quan thế âm bồ tát. Bên phải hậu cung thờ đức thánh hiền, bên trái thờ Sơn thần. 2 câu đối cổ trạm trên khung gỗ ca ngợi đạo phật như sau:

          Từ vân biến trấn thân hiện

          Bảo tọa cố y phúc quả thành

Dịch nghĩa:

          Đạo từ bi soi rọi tỏa khắp, thấy được rõ ràng

          Điều quý trọng của phúc đức là công quả.

- Bên trái chùa là kho bếp. Chùa tuy không trang trí cầu kỳ nhưng giữ một kiến trúc cổ đơn giản, tao nhã thích hợp với phong cảnh thiên nhiên sơn thủy hữu tình.

Đình Chùa Trung Đài được công nhận di tích lịch sử năm 2008, hàng năm tổ chức các ngày lễ lớn gồm:

Ngày 10 tháng giêng làm lễ cầu may, ngày 20/4 âm lịch là lễ hạn Điền và cúng Thần Nông ( Lễ xuống đồng), ngày 10 tháng 12 Lễ tổng kết năm, ngoài ra các ngày rằm, mùng 1 nhân dân trong làng vẫn lên cúng lễ tại Đình Chùa. Các ngày lễ được nhân dân dâng hương tưởng niệm, cầu nguyện đức độ tài ba của các vị thành Hoàng Làng phù hộ, độ trì cho mưa thuận gió hòa, làm ăn phát đạt, xã hội bình an, gia đình hạnh phúc. Tại lễ hội các nam thanh,  nữ tú còn hát giao duyên, tham gia các trò chơi như đá cầu, kéo co, đấu vật, đánh cờ, đấu võ…

Lễ hội được tổ chức hàng năm và các trò chơi dân gian tại Đình Chùa Trung Đài

Thông qua các dịp lễ hội người dân càng thêm gắn bó với quê hương chia ngọt sẻ bùi, vượt qua mọi khó khăn xây dựng đời sống kinh tế, lòng yêu nước tin tưởng vào đường lối lãnh đạo của Đảng, xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở.

T/h: Hồng Thắm
(Nguồn tin: Lịch sử Đảng bộ xã Cù Vân)

Thống kê truy cập

Đang truy cập: 1

Tổng truy cập: 5196475